ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ/GIẢI PHÁP HỮU ÍCH TẠI VIỆT NAM

ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ/GIẢI PHÁP HỮU ÍCH TẠI VIỆT NAM

Ngày đăng: 10/12/2020 03:07 PM

    Hiện nay, cá nhân - tổ chức có nhu cầu đăng ký Bằng độc quyền Sáng chế, GPHI có thể đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

     

     HỒ SƠ ĐĂNG KÝ BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ/GPHI (THÔNG QUA TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP)

    - Bản mô tả (kèm theo hình vẽ kỹ thuật, sơ đồ quy trình, yêu cầu bảo hộ);

    - Giấy ủy quyền (theo mẫu của Tổ chức đại diện SHCN);

    - Tờ khai xin cấp bằng độc quyền Sáng chế/GPHI.

     

    KHÁI NIỆM VỀ SÁNG CHẾ/GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

    Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng SẢN PHẨM hoặc QUY TRÌNH nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

    Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

    Giải pháp kỹ thuật là gì?

    Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

    Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

    (i) Sản phẩm:

     Sản phẩm dưới dạng VẬT THỂ, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người;  

     

     

    MẪU BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ


    (Bằng độc quyền sáng chế về một sản phẩm phụ kiện thiết bị cơ khí)

     (Bản Tóm tắt Sáng chế thuộc Bằng độc quyền Sáng chế)

     Sản phẩm dưới dạng CHẤT (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;

    (ii) QUY TRÌNH hay PHƯƠNG PHÁP (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

     

    TIÊU CHUẨN CẤP BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ/BẰNG ĐỘC QUYỀN GIẢI PHÁP HỮU ÍCH (GPHI)

    Để được đăng ký bảo hộ, Sáng chế, GPHI phải có đủ các điều kiện sau:

    * Đối với Sáng chế:

    - Có tính mới;

    - Có trình độ sáng tạo;

    - Có khả năng áp dụng công nghiệp.

    * Đối với GPHI:

    - Có tính mới;

    - Không phải là hiểu biết thông thường;

    - Có khả năng áp dụng công nghiệp.

    * Nếu trong quá trình tiến hành thủ tục đăng ký Bằng độc quyền Sáng chế, nhận thấy khả năng đối tượng đăng ký bảo hộ khó có thể được cấp Bằng độc quyền Sáng chế thì chủ đơn có thể nộp đơn CHUYỂN ĐỔI sang đăng ký Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện về giải pháp hữu ích.

     

    ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ VỚI DANH NGHĨA SÁNG CHẾ

     

    Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế được quy định trong Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019. Cụ thể là:

    Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

    1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

    2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

    3. Cách thức thể hiện thông tin;

    4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

    5. Giống thực vật, giống động vật;

    6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

    7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

     

    TRA CỨU SƠ BỘ

    Tra cứu sơ bộ nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của đơn đăng ký trước khi tiến hành nộp đơn chính thức với Cục Sở Hữu Trí Tuệ. Chủ đơn có thể tự mình tra cứu và đánh giá sơ bộ sáng chế/giải pháp hữu ích của mình tại các trang web tra cứu của Văn phòng sở hữu trí tuệ ở các nước, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, tiêu biểu như sau:

    //iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchIND.php

    https://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf

    //pericles.ipaustralia.gov.au/ols/auspat/quickSearch.do

    …………………………………………..

    Ngoài ra, chủ đơn cũng có thể tra cứu trên các trang web tìm kiếm của Google, Yahoo!, …. báo chí, ấn phẩm,….

    QUY TRÌNH XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ/GPHI

    Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được xem xét theo trình tự sau:

    - Thẩm định hình thức: 01 tháng

    - Công bố đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:

    (i) Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;

    (ii) Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;

    (iii) Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

    - Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

    Thực tiễn hiện nay, trường hợp đơn đã nộp yêu cầu thẩm định nội dung ngay từ đầu, toàn bộ quy trình từ thời điểm nộp đơn đến khi cấp Văn bằng bảo hộ từ 30- 36 tháng.

     

    HIỆU LỰC BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ/GPHI

    Bằng độc quyền Sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 20 NĂM kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.

    Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 10 NĂM kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.

     


    VPLS A.D.V.N là một tổ chức hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được phụ trách bởi các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Cục Bản Quyền Tác Giả cấp chứng chỉ hoạt động, có thâm niên hành nghề hơn 20 năm, kinh nghiệm chuyên sâu để xử lý hồ sơ đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả,....., cũng như các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ như giám định, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, môi giới mua bán nhãn hiệu,…

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn