Quy định đặt tên doanh nghiệp

Quy định đặt tên doanh nghiệp

Ngày đăng: 03/12/2020 10:59 PM

    QUY ĐỊNH ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP

    Tên doanh nghiệp gồm có tên tiếng Việt, tên bằng tiếng nước ngoài (nếu có) và tên viết tắt (nếu có). Bài viết này đề cập đến tên tiếng Việt của doanh nghiệp, thành phần bắt buộc phải khai báo trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

    Theo quy định tại Điều 38 Luật doanh nghiệp, tên tiếng Việt của doanh nghiệp sẽ bao gồm hai thành tố theo thứ tự: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.

    Loại hình DN: Tên loại hình DN được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “DN tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân; Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, do người sáng lập ra doanh nghiệp đặt.

    Ví dụ: Công ty TNHH Phú Cường; Công ty cổ phần Thiên Nhiên Việt.

    Cần lưu ý đây là hai thành tố bắt buộc phải có trong tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt, tuy nhiên trong thực tế tên doanh nghiệp có thể còn bao gồm các thành phần khác, thông thường là chức năng hoạt động như: “Sản xuất”, “Thương mại”, “Dịch vụ”, “Đầu tư”,…

    Ví dụ: Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Phú Cường Thịnh; Công ty cổ phần sản xuất phân bón Việt Nhật

    Về mặt nguyên tắc tên doanh nghiệp do những người sáng lập doanh nghiệp tự đặt, tuy nhiên cần đáp ứng các điều kiện khác như phân tích dưới đây thì mới được chấp nhận.

    Thứ nhất là, tên doanh nghiệp KHÔNG ĐƯỢC TRÙNG HOẶC GÂY NHẦM LẪN với tên doanh nghiệp khác. Theo quy định tại Điều 42, Luật doanh nghiệp năm 2014 thì tên trùng, tên gây nhầm lẫn được quy định như sau:

    - Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

    - Tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký là:

    + Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;

    + Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký; 

    Ví dụ: Tên doanh nghiệp đã đăng ký: Tổng Công ty Dược Việt Nam; tên viết tắt là: Vinapharm; Tên doanh nghiệp đề nghị đăng ký: Công ty Cổ phần Vinapharm; tên viết tắt là Vinapharm. Mặc dù hai tên tiếng Việt của DN là không trùng hoặc gây nhầm lẫn theo quy định của pháp luật DN nhưng hai tên viết tắt đều trùng nhau thì hai cũng bị coi là gây nhầm lẫn.

    + Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

    + Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

    + Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;

    + Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

    + Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.

    Thứ hai là, KHÔNG SỬ DỤNG TỪ NGỮ, KÝ HIỆU VI PHẠM TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC, THUẦN PHONG MỸ TỤC làm tên doanh nghiệp. Đây là tiêu chí rất khó xác định, nhưng phần nào được tháo gỡ bởi Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL (Văn bản này hướng dẫn cho Luật DN 2005, đã hết hiệu lực, nhưng vẫn có thể tham khảo vì chưa có văn bản thay thế).

    Điều 2 Thông tư quy định đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc. Theo đó, những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc:

    1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:

    a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong Giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;

    b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

    c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

    2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.

    3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

    4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật

    Điều 3 Thông tư quy định đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộcTheo đó, những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc:

    1. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội;

    2. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác;

    3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới;

    4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quy định của pháp luật.

    Thứ ba là, không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ĐỂ LÀM BỘ HOẶC MỘT PHẦN TÊN RIÊNG CỦA DOANH NGHIỆP, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Ví dụ CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TPHCM sẽ không được chấp nhận.

    Để kiểm tra trước khả năng đăng ký tên tiếng Việt của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể thực hiện tại trang web có địa chỉ sau:

    https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

    Lưu ý: Nội dung bài viết được đăng tải nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật và để tham khảo, vấn đề cụ thể của Quý độc giả cần liên hệ với người có chuyên môn, luật sư trong lĩnh vực doanh nghiệp.

     

    VPLS A.D.V.N là một tổ chức hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được phụ trách bởi các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Cục Bản Quyền Tác Giả cấp chứng chỉ hoạt động, có thâm niên hành nghề hơn 20 năm, kinh nghiệm chuyên sâu để xử lý hồ sơ đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả,.., cũng như các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ như giám định, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, môi giới mua bán nhãn hiệu,…

     

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn