ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ THEO HIỆP ƯỚC PCT CÓ CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM

ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ THEO HIỆP ƯỚC PCT CÓ CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM

Ngày đăng: 30/06/2021 05:41 PM

    ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ THEO HIỆP ƯỚC PCT CÓ CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM

     

    KHÁI NIỆM VỀ SÁNG CHẾ

    Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng SẢN PHẨM hoặc QUY TRÌNH nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

    Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế.

    Giải pháp kỹ thuật là gì?

    Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

    Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

    (i) Sản phẩm:

    - sản phẩm dưới dạng VẬT THỂ, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người;

    - sản phẩm dưới dạng CHẤT (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;

    (ii) QUY TRÌNH hay PHƯƠNG PHÁP (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

     

    PCT LÀ GÌ?

    PCT là từ viết tắt của Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Patent Cooperation Treaty). Hiệp ước hợp tác về sáng chế được kí kết ngày 19/6/1970 tại Washington, PCT bắt đầu có hiệu lực từ 01/6/1978, Việt Nam tham gia PCT từ ngày 10/3/1993.

    PCT cho phép tìm kiếm sự bảo hộ bằng sáng chế cho một phát minh đồng thời ở một số lượng lớn các quốc gia bằng cách nộp đơn đăng kí bằng sáng chế quốc tế duy nhất thay vì nộp một số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc gia hoặc khu vực riêng biệt. Việc cấp bằng sáng chế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực. Tức là, muốn bảo hộ ở quốc gia hoặc khu vực nào, người nộp đơn phải nộp đơn trực tiếp vào quốc gia hoặc khu vực sau giai đoạn quốc tế.

    ĐƠN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ QUỐC TẾ THEO PCT CÓ CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM

    Đơn quốc tế về sáng chế có chỉ định Việt Nam gồm hai loại: Đơn PCT có chỉ định Việt Nam (trường hợp đơn PCT chỉ có yêu cầu tra cứu sơ bộ quốc tế) hoặc Đơn PCT có chọn Việt Nam (trường hợp đơn PCT có cả yêu cầu tra cứu sơ bộ quốc tế và yêu cầu xét nghiệm sơ bộ quốc tế).

     

    1. Thành phần Đơn PCT có chỉ định Việt Nam bao gồm:

    – 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, làm theo Mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

    – Bản sao đơn quốc tế (trường hợp người nộp đơn yêu cầu vào giai đoạn quốc gia trước ngày công bố quốc tế).

    – 01 Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 của Hiệp ước).

    – Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

    – Giấy ủy quyền (trường hợp đơn nộp qua đại diện). Người nộp đơn có thể nộp giấy ủy quyền với thời hạn quy định tại điểm 27.7.a của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN và thời hạn bổ sung giấy ủy quyền không tính vào thời hạn thẩm định đơn.

    H.1.1. Hình ảnh về Báo cáo tra cứu quốc tế

    2. Thành phần Đơn PCT có chọn Việt Nam bao gồm:

    – 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, làm theo Mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

    – 01 Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 và/hoặc Điều 34.2 (b) của Hiệp ước).

    – 01 Bản dịch ra tiếng Việt của các phụ lục báo cáo thẩm định sơ bộ quốc tế (khi có yêu cầu thẩm định nội dung đơn).

    – Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

    – Giấy ủy quyền (trường hợp đơn nộp qua đại diện). Người nộp đơn có thể nộp giấy ủy quyền với thời hạn quy định tại điểm 27.7.a của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và thời hạn bổ sung giấy ủy quyền không tính vào thời hạn thẩm định đơn

    H.2.1. Hình ảnh về Báo cáo tra cứu quốc tế

    H.2.2. Hình ảnh về Báo cáo thẩm định sơ bộ quốc tế

     

    QUY TRÌNH XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ THEO PCT CÓ CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM

    Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế được xem xét theo trình tự sau:

    - Thẩm định hình thức: 01 tháng

    - Công bố đơn đăng ký sáng chế:

    (i) Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;

    (iii) Đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

    - Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

    Thực tiễn hiện nay, trường hợp đơn đã nộp yêu cầu thẩm định nội dung ngay từ đầu, toàn bộ quy trình từ thời điểm nộp đơn đến khi cấp Văn bằng bảo hộ từ 30- 36 tháng.

     

    HIỆU LỰC BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ

    Bằng độc quyền Sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 20 NĂM kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.

     

    MẪU BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ

     

     

    VPLS A.D.V.N là một tổ chức hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được phụ trách bởi các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Cục Bản Quyền Tác Giả cấp chứng chỉ hoạt động, có thâm niên hành nghề hơn 20 năm, kinh nghiệm chuyên sâu để xử lý hồ sơ đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả,....., cũng như các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ như giám định, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, môi giới mua bán nhãn hiệu,…

     

     

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn