DOANH NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ HỒ SƠ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ DỄ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU?

DOANH NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ HỒ SƠ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ DỄ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU?

Ngày đăng: 04/08/2022 09:33 AM

    Trong mỗi doanh nghiệp đều có nhãn hiệu. Đó có thể là phần tên riêng trong tên doanh nghiệp, biểu tượng hoặc logo, tên tự đặt cho sản phẩm, cách thức trình bày bao bì sản phẩm, hình ảnh sản phẩm có chứa dấu hiệu phân biệt,…. Do đó, doanh nghiệp cần thiết phải tiến hành nộp đơn đăng ký để được cấp văn bằng bảo hộ cho tài sản trí tuệ của mình.

    Trong thực tế, doanh nghiệp thường khó được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do việc chuẩn bị hồ sơ không kỹ lưỡng dẫn đến đơn đăng ký có thể bị từ chối về mặt hình thức và nội dung.

    Để dễ được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký theo các bước sau đây.

    Thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định mẫu nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

    Thứ hai, mẫu nhãn hiệu có phải là dấu hiệu được bảo hộ theo quy định pháp luật hay không. Để thực hiện việc này, doanh nghiệp cần đối chiếu với điều 73 Luật SHTT, trường hợp vi phạm Điều này, nhãn hiệu sẽ không được cấp bằng.

    HANOI          BAN ME THUOT

               

    [Minh họa một số mẫu nhãn hiệu không được bảo hộ]

    Điều 73. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

    Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

    1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;

    2. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

    3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

    4. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

    5. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.”

    Thứ ba, doanh nghiệp cần xem nhãn hiệu có khả năng phân biệt theo điểm a, b, c, d, đ, khoản 2 Điều 74 hay không. Trường hợp nhãn hiệu vi phạm điều này, sẽ không được cấp bằng.

          

    [Minh họa một số nhãn hiệu có khả năng phân biệt cao]

    Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

    ………………………………………………………………..

    2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;

    b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

    c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

    d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

    đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;”

    Thứ tư, doanh nghiệp chuẩn bị danh mục sản phẩm/dịch vụ phù hợp với tên gọi đúng, chính xác. Để thuận tiện, doanh nghiệp có thể tham khảo trong Bảng phân nhóm hàng hóa/dịch vụ đăng ký nhãn hiệu (Bảng phân nhóm NICE).

    Thứ năm, sau khi xác định được mẫu nhãn hiệu có khả năng đăng ký và danh mục sản phẩm/dịch vụ, doanh nghiệp cần tra cứu để đánh giá xem nhãn hiệu có khả năng đăng ký theo điểm e đến n Điều 74 và khoản 2 Điều 90 Luật SHTT. Nhãn hiệu chỉ được cấp khi không tương tự/trùng lặp/không khác biệt đáng kế với các dấu hiệu nêu trong các điểm trong điều luật này. Cần lưu ý, thời gian 5 năm trong quy định ở điều 74.2h đã được sửa thành 3 năm theo Luật SHTT, sửa đổi bổ sung năm 2022, có hiệu lực từ 01/01/2023

    Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

    ……………………………………………………………..

    2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

    h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;

    i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

    k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

    l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;

    m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

    n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.”

    Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

    ……………………………………………………….

    2. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

    Theo thực tiễn, việc chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, qua đầy đủ các bước nói trên, tỷ lệ đơn đăng ký nhãn hiệu được cấp bằng rất cao, lên đến 80-90%.

    Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính tham khảo do quy định pháp luật có thể thay đổi. Các vấn đề cụ thể, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn.

     

    Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn