HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Ngày đăng: 28/07/2022 11:02 AM

    CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI LÀ GÌ?

    Luật đầu tư năm 2020 thì không có quy định cụ thể về định nghĩa thế nào là công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhưng công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể được hiểu thông qua các định nghĩa sau.

    Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư thì “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.”

    Trong khi đó “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.” (Khoản 22, Điều 3 Luật đầu tư).

    “Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh” (Khoản 23, Điều 3 Luật đầu tư).

    “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.” (Khoản 19, Điều 3 Luật đầu tư).

    Từ những định nghĩa trên, có thể hiểu công ty có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, do các nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thành lập hoặc tham gia góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

     

    ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU NƯỚC NGOÀI

    Để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

    Thứ nhất, Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cần xem xét đến các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

    Thứ hai, Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

     

    ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

    Về thành viên, cổ đông, chủ sở hữu

    Thành viên, cổ đông, chủ sở hữu của công ty có vốn đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

    -  Về tỷ lệ vốn sở hữu

    Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế. Trừ các trường hợp sau đây:

    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc hai trường hợp trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    -  Về ngành nghề kinh doanh

    Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Điều 6 và các Phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư.

    Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

    Nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.

    -  Về thủ tục thành lập và thay đổi nội dung hoạt động

    Trước khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư 2020.

    Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020.

    Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mà nội dung đó đồng thời là nội dung đăng ký đầu tư thì phải điều chỉnh nội dung đăng ký đầu tư được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

     

    LỰA CHỌN HÌNH THỨC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

    Theo quy định pháp luật hiện hành, có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

    - Tiến hành thủ tục đăng ký thành lập công ty 100% vốn Việt Nam; sau đó chuyển nhượng vốn từ cổ đông Việt Nam sang cho cổ đông người nước ngoài

    - Thành lập công ty bằng vốn của người nước ngoài trực tiếp ngay từ đầu

     

    THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY 100% VỐN VIỆT NAM VÀ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN CHO CỔ ĐÔNG NƯỚC NGOÀI

    * Hồ sơ, gồm:

    - Thông tin dự kiến thành lập: tên công ty, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ…;

    - Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người Việt Nam để thành lập công ty 100% vốn Việt Nam và các thành viên góp vốn (2 bản);

    - Nếu là cá nhân đầu tư: Bản sao công chứng hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài để làm thủ tục chuyển nhượng vốn từ cổ đông Việt Nam sang cổ đông nước ngoài (3 bản);

    - Nếu là tổ chức đầu tư: Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp pháp hóa lãnh sự (2 bản).

    * Quy trình gồm 2 bước

    - Thành lập doanh nghiệp trong nước để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

    - Chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài

    Tùy vào doanh nghiệp 100% vốn điều lệ Việt Nam hay có vốn đầu tư nước ngoài, ngành nghề kinh doanh, tỷ lệ chuyển nhượng mà các điều kiện, hồ sơ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp sẽ có sự khác nhau.

    Lưu ý: Cổ đông Việt Nam cần nộp Tờ khai thuế thu nhập cá nhân và 0,1% thuế thu nhập cá nhân trên giá trị chuyển nhượng khi chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.

     

    THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRỰC TIẾP NGAY TỪ ĐẦU

    Quy trình thành lập công ty 100% vốn nước ngoài bao gồm hai thủ tục sau: (1) Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; và (2) Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

    Nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư thực hiện dự án phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, trước khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong một số trường hợp nhà đầu tư phải đăng ký chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Sau khi đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư tùy từng trường hợp cụ thể

    - Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục thành lập công ty vốn nước ngoài gồm các bước như sau:

    Bước 1: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Hồ sơ bao gồm những nội dung sau:

    + Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận.

    + Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

    + Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

    + Đề xuất dự án đầu tư. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

    + Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.

    + Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

    + Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

    + Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

    Lưu ý: Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định trên, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài

    Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện sau:

    - Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;

    - Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

    - Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch

    - Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);

    - Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

     

    Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

    Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập công ty có vốn nước ngoài, bao gồm:

    - Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

    - Điều lệ công ty có vốn nước ngoài.

    - Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

    - Bản sao: Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của các thành viên là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức và văn bản ủy quyền; giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

    - Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự đối với thành viên là tổ chức.

    - Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

    Lưu ý: Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hay xác nhận phải được hợp pháp hoá lãnh sự và dịch thuât, công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, tùy trường hợp mà phải cung cấp thêm một số giấy tờ cần thiết khác.

    Bước 2: Nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư  (Phòng đăng ký kinh doanh)

    Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

    Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký thành lập công ty tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, bước tiếp theo trong quy trình thành lập công ty 100% vốn nước ngoài đó là công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được công khai trên Cổng thông tin quốc gia trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    Cơ quan thực hiện: Bộ phận đăng bố cáo của Cơ quan đăng ký kinh doanh.

    Bước 4: Con dấu của công ty

    Đây là bước cuối cùng trong quy trình thành lập công ty vốn nước ngoài. Bước này được tiến hành sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã tiến hành đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp.

    Công ty thực hiện khắc dấu và thông báo sử dụng mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh. Công ty có quyền quyết định mẫu dấu và số lượng con dấu.

    Cơ quan tiếp nhận: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Một số lưu ý cá nhân, doanh nghiệp không nên bỏ qua khi thành lập công ty vốn nước ngoài.

    Ở Việt Nam, để thành lập công ty vốn nước ngoài thì ngoài việc chuẩn bị hồ sơ thì cá nhân, doanh nghiệp cần chuẩn bị một số thông tin như sau:

    – Địa chỉ: Công ty vốn nước ngoài phải có địa chỉ hoạt động, địa chỉ kinh doanh hợp lệ mới có thể đăng ký kinh doanh.

    – Tên doanh nghiệp: Tên của công ty vốn nước ngoài sẽ phải chấp hành theo quy định của pháp luật Việt Nam về tên doanh nghiệp.

    – Người đại diện pháp luật: người đại diện pháp luật cho công ty là một lưu ý vô cùng quan trọng khi tiến hành thành lập công ty vốn nước ngoài.

    – Ngành nghề kinh doanh: Để có thể thành lập công ty, doanh nghiệp bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với tính chất.

    – Vốn điều lệ: Doanh nghiệp có thể tiến hành kê khai vốn điều lệ tùy thuộc điều kiện của mình.

    – Loại hình công ty có vốn nước ngoài: Có thể áp dụng một trong những loại hình sau: công ty cổ phần, công ty hợp danh và công ty TNHH.

     

    Lưu ý quan trọng: Nội dung bài viết mang tinh tham khảo do quy định pháp luật có thể thay đổi. Các vấn đề cụ thể, xin vui lòng liên hệ với Văn phòng để được tư vấn

     

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline: 0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 – 0979 038 040

    Tel: 028 3926 0120 - 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: https://advnlaw.vn/