HƯỚNG DẪN TRANH CHẤP TÀI SẢN KHI LY HÔN

HƯỚNG DẪN TRANH CHẤP TÀI SẢN KHI LY HÔN

Ngày đăng: 28/06/2022 11:35 AM

    Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là một quan hệ phái sinh mà Tòa án đồng thời phải giải quyết trong vụ án ly hôn. Các tranh chấp này khi phát sinh thường rất phức tạp và kéo dài bởi thực tiễn giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung nó gắn liền với quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng nên nhiều tình tiết của vụ án khó làm sáng tỏ bởi trong quá trình hôn nhân còn tồn tại, việc xác lập, thỏa thuận, định đoạt chia tài sản chung của vợ chồng là quan hệ kín mà chỉ vợ chồng họ mới nắm được.

    TRANH CHẤP TÀI SẢN KHI LY HÔN LÀ GÌ

    Xác định quan hệ tranh chấp

    Việc xác định loại tranh chấp là một trong căn cứ để xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc; vụ án theo quy định hiện hành. Vậy tranh chấp tài sản khi ly hôn thuộc loại tranh chấp gì?

    Căn cứ khoản 1, 2 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

    Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

    1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
    2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.”

     

    THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn theo lãnh thổ.

    Tranh chấp tài sản khi ly hôn, tranh chấp tài sản sau khi ly hôn; tranh chấp tài sản chung vợ chồng đều thuộc loại Tranh chấp hôn nhân gia đình. Do vậy để xác định rõ thẩm quyền Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn; cần căn cứ những quy định sau:

    Căn cứ điểm a, khoản 1; Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền Tòa án giải quyết theo lãnh thổ như sau:

    "Điều 39. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ:

    1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
    2. a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở; nếu bị đơn là cơ quan; tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự; hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại; lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

    Có thể thấy việc xác định thẩm quyền vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn sẽ không phụ thuộc vào nơi có động sản/nơi có bất động sản; bởi lẽ vấn đề tài sản là phạm vi cần được giải quyết trong vụ án tranh chấp ly hôn. Do vậy; theo quy định này thì Tòa án nhân dân nơi bị đơn đang cư trú/làm việc là Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết hồ sơ ly hôn đơn phương tranh chấp tài sản.

    Kết luận: Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn có tranh chấp tài sản là Tòa án nhân dân nơi bị đơn đang cư trú/làm việc hợp pháp.

     

    NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT

    Để có thể giải quyết được vấn đề trên, cần hiểu về các chế độ tài sản trong quan hệ vợ chồng, cụ thể:

    CHẾ ĐỘ TÀI SẢN TRONG QUAN HỆ VỢ CHỒNG

    Trong quan hệ hôn nhân, vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản áp dụng đối với các tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm: chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản theo thỏa thuận.

    CHẾ ĐỘ TÀI SẢN THEO LUẬT ĐỊNH

    Được quy định tại điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Tài sản chung vợ chồng:

    “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    2.Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

    3.Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

    Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng thể thực hiện việc chia tài sản chung bằng cách thực hiện thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung vợ chồng, việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

    Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định, Tài sản riêng của vợ, chồng:

    “1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

    2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

    CHẾ ĐỘ TÀI SẢN THEO THỎA THUẬN

    Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo là chế độ thỏa thuận, thì thỏa thuận này phải được lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực trước khi đăng ký kết hôn. Theo đó, thỏa thuận này quy định rõ về các vấn đề sau:

    • Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
    • Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
    • Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
    • Nội dung khác có liên quan.

    Các vấn đề chưa được thỏa thuận trong văn bản hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định về chế độ tài sản theo luật định.

    Việc phân chia tài sản của vợ chồng sau ly hôn áp dụng các nguyên tắc

    Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

    a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

    b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

    c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

    d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

    - Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

    - Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

    Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

    - Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

     

    HỒ SƠ CẦN THIẾT

    - Đơn khởi kiện tải tại đây;

    - Bản chính Giấy đăng ký kết hôn;

    - Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;

    - Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu của hai vợ chồng;

    - Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);

    - Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao)...

     

    TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT

    Trình tự giải quyết giống như vụ án ly hôn đơn phương, trong đó có yêu cầu chia tài sản khi ly hôn

     

    BẢN ÁN CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

     

     (Bản án số: 01/2022/HNGĐ-PT V/v “Ly hôn, tranh chấp nuôi con và chia tài sản khi ly hôn”)

    Lưu ý:

    - Bài viết chỉ mang tính tham khảo, các quy định pháp luật có thể thay đổi

    - Quý khách có vấn đề cụ thể, vui lòng liên hệ trực tiếp với luật sư của Văn phòng để được tư vấn, hướng dẫn

     

    Được thành lập từ năm 2014 bởi đội ngũ luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp, chuyên gia thuế, kế toán, Văn phòng luật sư A.D.V.N chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực dân sự, kinh doanh – thương mại, hôn nhân – gia đình, lao động, hình sự, hành chính, sở hữu trí tuệ, trong hoạt động tư vấn, tố tụng và đại diện ngoài tố tụng.

     

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn