Nghề luật sư trên Thế giới và Việt Nam

Nghề luật sư trên Thế giới và Việt Nam

Ngày đăng: 03/12/2020 07:48 PM

    Nghề luật sư trên Thế giới và Việt Nam

    Ở nghĩa rộng, nói đến những người làm nghề luật là chúng ta nói đến thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, công chứng viên… Ở nghĩa hẹp hơn, nói đến nghề luật chúng ta nói đến nghề luật sư

    Nghề luật sư được cho là tiêu biểu nhất và thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của nghề luật. Nghề luật sư không giống như những nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì người luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Luật sư là những người được trọng vọng trong xã hội bởi họ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân và phát triển xã hội.

    Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thu nhập của luật sư là từ các khoản thù lao do khách hàng trả. Các hình thức hành nghề luật sư ở mỗi nước là khác nhau. Sau đây ta hãy cùng tìm hiểu các loại hình luật sư tại Việt Nam và một số nước phát triển trên thế giới:

     

    1. Nghề Luật sư ở Anh và Mỹ:

    Nước Anh theo hệ thống luật án lệ (Common Law) và ở đây chỉ tồn tại hai hình thức hành nghề Luật sư: Luật sư tư vấn và Luật sư biện hộ. Luật sư tư vấn có quan hệ trực tiếp với khách hàng, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của khách hàng. Còn luật sư biện hộ không được liên hệ trực tiếp với khách hàng mà chỉ biện hộ tại Toà án. Các Luật sư biện hộ có độc quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự.

    Các luật sư Anh có chung một cơ quan để sinh hoạt đó là Đoàn luật sư Luân Đôn. Về số lượng luật sư tư vấn đông hơn rất nhiều so với luật sư biện hộ và hành nghề trên toàn lãnh thổ nước Anh. Các luật sư tư vấn cũng đóng một vai trò nhất định trong các vụ kiện nhưng hoạt động chủ yếu của họ là thuộc lĩnh vực tư vấn pháp luật. Ngoài ra họ còn độc quyền trong một số lĩnh vực.

    Tại Mỹ, không có sự phân biệt giữa hai nghề luật sư như ở Anh. Ở đây tồn tại mô hình “một nghề luật duy nhất” theo đó luật sư có phạm vi hoạt động rất rộng và có hiệu quả. Chính vì vậy vai trò của các luật sư tại Mỹ là rất lớn. Luật sư tại Mỹ hành nghề tương đối tự do, được phép quảng cáo, chào hàng, có thể can thiệp vào mọi lĩnh vực pháp luật, đây cũng là độc quyền của các luật sư.

    Các luật sư không có đối thủ cạnh tranh nào khác ngoài các đồng nghiệp của mình. Các chuyên viên kế toán hầu như không được tham gia vào các hoạt động thuộc lĩnh vực pháp luật. Nhưng cũng tại nước này đang có biểu hiện của một nền công lý mất cân đối: công lý của những người có tiền và công lý của những người nghèo.

     

    2. Nghề Luật sư ở Pháp, Đức:

    Hệ thống pháp luật của Pháp và Đức là hai điển hình cho mô hình đa ngành nghề tư pháp của các nước theo hệ thống luật Châu Âu lục địa (Civil Law). Hoạt động của luật sư ở Pháp và Đức rất giống nhau và các điều kiện trở thành luật sư về cơ bản cũng giống nhau. Tuy nhiên, chương trình đào tạo luật sư tại Đức dài hơn vì ngoài những kiến thức, kỹ năng của luật sư thì luật sư còn phải nghiên cứu cả kỹ năng tiến hành tố tụng của Thẩm phán. Mục đích của việc nghiên cứu nghiệp vụ của thẩm phán nhằm tạo ra một đội ngũ luật sư có khả năng phục vụ với tư cách một thẩm phán. Đây cũng chính là một điều kiện để được kết nạp vào đoàn luật sư.

    Trước khi kết nạp cũng phải trải qua một thời gian luật sư tập sự trong khoảng thời là 03 năm tại tổ chức Luật sư Châu Âu tại quốc gia đó. Ở Đức, muốn ghi tên vào một Đoàn luật sư, luật sư phải có giấy phép của cơ quan tư pháp địa phương nơi mình muốn đăng ký. Các luật sư trẻ mới vào nghề ở Đức có thể tự do lựa chọn Đoàn luật sư mà mình thích để ghi tên, không bắt buộc rằng Đoàn luật sư đó phải là nơi họ nhận bằng. Mặc dù các quy chế hành nghề không giống nhau nhưng nói chung các luật sư ở Pháp và Đức có thể hành nghề một cách độc lập hay theo nhiều hình thức nhóm, hội khác nhau. Ngoài ra, luật sư có thể ký hợp đồng lao động với các Văn phòng luật sư, công ty luật, công ty luật hợp danh với tư cách là luật sư làm thuê.

     

    3. Nghề Luật sư ở Việt Nam:

    Đối với Việt Nam do điều kiện kinh tế và xã hội, do sự hình thành muộn màng của nghề luật sư và các quy định về hành nghề luật sư nên hệ thống pháp luật về nghề luật sư và hành nghề luật sư chưa được hoàn chỉnh cần bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ. Luật sư ở nước ta hiện nay còn đang thiếu và mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của xã hội. Số luật sư lại chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, riêng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 50 % tổng số luật sư toàn quốc.

    Về phạm vi hành nghề, theo quy định của Pháp lệnh luật sư thì luật sư được phép tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Tham gia tố tụng là lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các luật sư hiện nay. Luật Luật sư đã mở rộng hơn phạm vi hành nghề luật sư với việc quy định luật sư được đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng. Bên cạnh đó, tư vấn pháp luật cũng là lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư, đặc biệt trong điều kiện nhu cầu về tư vấn pháp luật trong xã hội ngày càng tăng nhanh.

    Các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, thương mại. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự thì tư vấn về đất đai, hôn nhân gia đình đang là mảng tư vấn phổ biến và sôi động nhất. Với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá, các luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh đặc biệt trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài…

    Nếu như trước kia Luật sư chỉ được phép hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư (thành lập hoặc tham gia thành lập Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh hoặc làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư, kể cả tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam) thì hiện nay họ được phép hành nghề với tư cách cá nhân dưới hình thức tự mình nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động.

    Luật sư của các nước dù là theo hệ thống pháp luật Civil Law hay Common Law đều hành nghề theo hướng chuyên môn hoá một lĩnh vực cụ thể. Chúng ta không xa lạ gì khi nghe đến tên gọi “luật sư hình sự”,”luật sư về thừa kế”, “luật sư về hôn nhân & gia đình”, “luật sư về ngân hàng”, “luật sư về chứng khoán”, “luật sư về bảo hiểm”, “luật sư về bất động sản”, thậm chí có “luật sư về bồi thường thiệt hại”, “luật sư chuyên về tai nạn giao thông”….

    Cơ hội việc làm của ngành luật ngày càng rộng mở bởi có rất nhiều nghề, rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đến những người có kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, tham gia nhiều hiệp hội quốc tế nên càng cần nhiều nhân lực cho việc giao lưu, mở rộng quan hệ kinh tế với toàn cầu này.

    Theo Dân Trí.

     

    VPLS A.D.V.N là một tổ chức hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được phụ trách bởi các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Cục Bản Quyền Tác Giả cấp chứng chỉ hoạt động, có thâm niên hành nghề hơn 20 năm, kinh nghiệm chuyên sâu để xử lý hồ sơ đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả,....., cũng như các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ như giám định, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, môi giới mua bán nhãn hiệu,…

     

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn