Tên thương mại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ

Tên thương mại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 03/12/2020 08:44 PM

    TÊN THƯƠNG MẠI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

    Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 (sau đây gọi tắt là Luật SHTT), “Tên thương mại là tên gọi chung của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Mặc dù cũng là một đối tượng của sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu,… tên thương mại ít được đề cập hơn do cách hiểu và vận dụng trong thực tế tương đối khó khăn. Để có thể hiểu rõ hơn, chúng tôi xin phân tích các vấn đề liên quan đến đối tượng này như sau:

    1. Cấu tạo của tên thương mại

    Tên thương mại phải là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được, bao gồm hai thành phần sau: Thành phần mô tả và Thành phần phân biệt.

    Thành phần mô tả là một tập hợp các từ có nghĩa bao phần phần mô tả tóm tắt loại hình doanh nghiệp và phần lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ: Công ty TNHH bánh kẹo, Công ty cổ phần bánh kẹo, Công ty bánh kẹo,…

    Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Ví dụ: Trung Nguyên, Anh Đào Sứ Tiên, Everlast, Krua, Thành Công Thành,…

    Thành phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại. Tên thương mại được phân biệt bởi Thành phần phân biệt. Tức là hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có thành phần mô tả giống nhau. Ví dụ Công ty xây dựng ABC và Công ty xây dựng DEF có thành phần mô tả giống nhau là “Công ty xây dựng”, thành phần phân biệt “ABC” và “DEF” thì khác nhau.

    Như vậy, theo phân tích ở trên, tên thương mại có thể là tên doanh nghiệp, cũng có thể không phải là tên doanh nghiệp. Đối với trường hợp sau, tên thương mại thường là tên doanh nghiệp loại bỏ bớt loại hình doanh nghiệp. Ví dụ tên doanh nghiệp là Công ty TNHH bánh kẹo ABC thì tên thương mại sẽ là Công ty bánh kẹo ABC.

    2. Điều kiện để sở hữu tên thương mại

    Theo Điều 76 Luật SHTT, quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực là lãnh thổ kinh doanh, không cần thực hiện thủ tục đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ.

    Theo Điều 78 Luật SHTT, tên thương mại được bảo hộ khi có khả năng phân biệt, đáp ứng các điều kiện sau: (1) Chứa thành phần tên riêng, trừ trưòng hợp đã được biết rộng rãi; (2) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà tổ chức khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh; và (3) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

    Theo Điều 77 Luật SHTT, đối tượng không được bảo hộ dưới dạng tên thương mại là: tên gọi các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc các chủ thể khác không liên quan tới hoạt động kinh doanh.

    3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại

    Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh dưới tên thương mại, có những quyền sau:

    - Quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh, thể hiện trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm hàng hoá bao bì và quảng cáo.

    - Quyền chuyển giao theo hợp đồng, thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

    Cần lưu ý rằng quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu còn duy trì hoạt động với tên thương mại này.

    4. Phạm vi bảo hộ tên thương mại

    Tên thương mại được bảo hộ trên một địa bàn, trên một lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

    Về thời hạn bảo hộ tên thương mại: không có qui định, chỉ chấm dứt khi không còn sử dụng tên thương mại đó.

    5. Các vấn đề cần lưu ý khi lựa chọn tên thương mại

    Như phân tích ở trên, tên thương mại có thể là tên doanh nghiệp hoặc được tạo ra dựa trên tên doanh nghiệp nên tên thương mại là tài sản trí tuệ xuất hiện cùng với quá trình ra đời của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại, do đó cần lưu ý khi thiết kế tên thương mại như sau:

    - Thành phần phân biệt nên là tập hợp chữ, dễ phát âm, dễ nhớ với số đông người giao tiếp ở thị trường doanh nghiệp kinh doanh. Nếu có ý định hoạt động ở nước ngoài thì không nên chọn tập hợp chữ có dấu vì khó phát âm. Cần chú ý nghĩa của tập hợp các chữ, không có nghĩa xấu gây phản cảm. Tên thương mại của mình không trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh, hoặc nhẫm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của người khác, không vi phạm điều cấm. Lựa chọn dấu hiệu chữ tạo ấn tượng về phong cách (tin cậy, năng động).

    - Để đảm bảo khả năng phân biệt phải rà soát tên thương mại của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng thị trường để tránh tên thương mại của mình xung đột (trùng, không có thể phân biệt) với các tên thương mại đã có.

    Lưu ý: Nội dung bài viết được đăng tải nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật và để tham khảo, vấn đề cụ thể của Quý độc giả cần liên hệ với người có chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp như luật chuyên về sở hữu trí tuệ, người đại diện sở hữu công nghiệp.

     

    VPLS A.D.V.N là một tổ chức hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được phụ trách bởi các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Cục Bản Quyền Tác Giả cấp chứng chỉ hoạt động, có thâm niên hành nghề hơn 20 năm, kinh nghiệm chuyên sâu để xử lý hồ sơ đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả,.., cũng như các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ như giám định, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, môi giới mua bán nhãn hiệu,…

     

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329 

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn