XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM NHÃN HIỆU BẰNG BIỆN PHÁP DÂN SỰ

XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM NHÃN HIỆU BẰNG BIỆN PHÁP DÂN SỰ

Ngày đăng: 06/04/2021 02:59 PM

    Biện pháp xử lý dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Các quy định về biện pháp dân sự trong xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu được xây dựng dựa trên quy định của pháp luật dân sự cũng như thể chế các yêu cầu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia về thực thi quyền SHCN.

    Quy trình xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự bao gồm các bước sau:

    CUNG CẤP CÁC TÀI LIỆU CẦN THIẾT

    Để có thể tiến hành xử lý hành vi vi phạm nhãn hiệu, chủ thể quyền cần cung cấp các tài liệu sau đây:

    - Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (hoặc Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ);

    - Mẫu sản phẩm vi phạm và mẫu sản phẩm bị vi phạm;

    - Ảnh chụp sản phẩm, dịch vụ vi phạm;

    - Thông tin của bên vi phạm gồm tên công ty, địa điểm kinh doanh hoặc các giấy tờ tài liệu khác như Hóa đơn mua bán hàng hóa.

    GIÁM ĐỊNH NHÃN HIỆU (NẾU CẦN)

    Giám định nhãn hiệu là bước không bắt buộc, nhưng kết luận giám định lại là tài liệu quan trọng trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu và được coi là nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Do đó, giám định nhãn hiệu là bước nên thực hiện trước khi tiến hành xử lý vi phạm chính thức.

    Tài liệu cẩn thiết cho việc giám định bao gồm:

    - Tờ khai (theo mẫu Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp);

    - Giấy ủy quyền (theo mẫu Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp);

    - Tài liệu chứng minh quyền của chủ thể quyền (bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ;

    - Tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm của bên bị nghi ngờ (Mẫu vật hoặc ảnh chụp dấu hiệu vi phạm).

    Thời gian để giám định thường nằm trong khoảng từ 07 đến 15 ngày làm việc.

    Chi phí giám định (bao gồm phí dịch vụ và lệ phí chính thức): Tùy theo vụ việc và thời gian yêu cầu giám định.

    (Mẫu tờ khai yêu cầu giám định được thực hiện bởi Á Đông)

     

     

    TIẾN HÀNH XỬ LÝ VI PHẠM

    Dựa vào kết quả giám định nhãn hiệu, đối với việc xử lý bằng biện pháp dân sự, chủ thể quyền có thể lựa chọn các phương án sau đây để xử lý hành vi xâm phạm quyền.

    - Phương án 1: Dịch vụ cảnh báo. Chủ thể quyền sẽ gửi thư cảnh báo đến bên vi phạm.

    Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện các yêu cầu trên hoặc thực hiện không đầy đủ thì chủ thể quyền có thểm xem xét phương án 2 dưới đây.

    Chú ý: Phương án này không phải là phương án bắt buộc theo quy định hiện hành.

    - Phương án 2: Khởi kiện vụ án với tòa án có thẩm quyền hoặc trọng tài thương mại

    KHỞI KIỆN TẠI TÒA ÁN HOẶC TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

    Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT 2005; khi phát hiện hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đã được bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải CHẤM DỨT hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

    Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP; chủ sở hữu nhãn hiệu phải gửi thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

    Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 198 LSHTT 2005, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể khởi kiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ra Tòa án hoặc Trọng tài thương mại (nếu hai bên có thỏa thuận trọng tài).

    Đối với việc khởi kiện tại Tòa án, căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 37 và Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân có hành vi xâm phạm cư trú, làm việc hoặc nơi tổ chức có hành vi xâm phạm có trụ sở sẽ có thẩm quyền giải quyết hoặc Tòa án cấp tỉnh nơi chủ sở hữu nhãn hiệu cư trú, làm việc hoặc có trụ sở nếu hai bên tranh chấp có thỏa thuận.

    Theo Điều 202 Luật SHTT đã quy định cho chủ thể quyền có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý đối với những hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể quyền như sau:

    - Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

    - Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

    - Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

    - Buộc bồi thường thiệt hại;

    - Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.

    Khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền SHCN đối với nhãn hiệu có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp sau đây: đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền SHTT; hoặc hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời.

    TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN XÂM PHẠM NHÃN HIỆU

    Trình tự giải quyết vụ án xâm phạm nhãn hiệu như vụ án dân sự khác, về cơ bản bao gồm các bước sau:

    • Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
    • Bước 2: Xem xét và thụ lý đơn khởi kiện
    • Bước 3: Chuẩn bị và xét xử sơ thẩm
    • Bước 4: Kháng cáo và xét xử phúc thẩm (nếu có)
    • Bước 5: Thi hành Bản án, Quyết định có hiệu lực


    (Bản án 01/2019/KDTM-PT ngày 09/01/2019

    về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu)

    Trong số các biện pháp xử lý xâm phạm liên quan đến nhãn hiệu, biện pháp khởi kiện ra tòa án để giải quyết bằng thủ tục dân sự đáng được coi trọng. Đây là biện pháp được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

     

    VPLS A.D.V.N là một tổ chức hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được phụ trách bởi các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Cục Bản Quyền Tác Giả cấp chứng chỉ hoạt động, có thâm niên hành nghề hơn 20 năm, kinh nghiệm chuyên sâu để xử lý hồ sơ đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả,....., cũng như các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ như giám định, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, môi giới mua bán nhãn hiệu,….

     

    Quý khách có vấn đề cụ thể cần tư vấn, vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ A.D.V.N

    Phòng F2&F3, Tòa nhà FOSCO, Số 2 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

    Hotline:  0903 693 301 - Mobile: 0909 393 329

    Tel: 028 3926 0120, 3926 0125

    Email: advnlaw@gmail.com; vanphongluatsuadvn@gmail.com

    Website: www.advnlaw.vn